Rơ lưỡi cho bé – Cách rơ lưỡi hiệu quả và an toàn

cách rơ lưỡi cho bé

Rơ lưỡi cho bé không chỉ giúp bảo vệ răng miệng mà còn giúp bé ăn uống tốt hơn, khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách rơ lưỡi cho trẻ đúng cách. Bài viết dưới đây, Kidslife sẽ hướng dẫn mẹ chi tiết cách rơ lưỡi cho trẻ hiệu quả và an toàn theo hướng dẫn từ chuyên gia nhé!

Vì sao cần rơ lưỡi cho bé

Với trẻ nhỏ, bé chưa thể tự đánh răng, vì vậy giúp bé vệ sinh khoang miệng là việc làm rất cần thiết mà cha mẹ hay người chăm trẻ cần lưu ý. Khoang miệng là nơi chứa nhiều vi khuẩn, vi sinh vật gây mùi hôi, nấm miệng.

Nếu không được vệ sinh hàng ngày, đặc biệt là lưỡi, các chất cặn của sữa sẽ tích tụ, lên men và đóng thành mảng trên khắp bề mặt lưỡi của trẻ và các chân nướu. Khiến cho bé khó chịu, không còn cảm nhận được vị giác, nhiều trẻ trở nên biếng ăn, bỏ bú.  Thậm chí có thể ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng, tiến trình mọc răng của trẻ sau này. Chính vì vậy, mẹ hãy thực hiện việc rơ lưỡi cho bé thường xuyên và đều đặn để bảo vệ bé yêu thật tốt nhé.

Rơ lưỡi cho bé như thế nào?

Rơ lưỡi cho trẻ là việc làm rất cần thiết để trẻ có sức khỏe răng miệng tốt

Rơ lưỡi cho bé bao nhiêu lần/ ngày là đủ?

Rơ lưỡi cho trẻ là việc chăm sóc bé quan trọng và cần thiết. Vậy cần thực hiện tưa lưỡi cho bé bao nhiêu lần mỗi ngày là tốt nhất?

Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn

Với trẻ ti mẹ trực tiếp và hoàn toàn chưa hề ăn dặm, khả năng đọng cặn sữa trong miệng, lưỡi của bé là thấp nhất. Bởi các bé ti liên tục nhiều cữ và quá trì bú, mút luôn tạo ra sự cọ xát giữa ti mẹ và lưỡi làm giảm thiểu tình trạng đọng cặn sữa như những hình thức ăn uống khác của bé. Vì vậy, mẹ có thể vệ sinh khoang miệng cho bé 2-3 ngày/ lần hoặc mỗi ngày/ lần.

Đối với trẻ bú sữa mẹ kết hợp sữa ngoài

Cha mẹ nên thực hiện rơ lưỡi cho bé thường xuyên hơn, ít nhất 1 lần mỗi ngày. Ngoài ra, sau mỗi lần uống sữa, mẹ nên cho bé uống 1-2 thìa nước ấm để làm sạch miệng cho bé yêu.

Đối với trẻ ăn sữa ngoài hoàn toàn

Các bé ăn sữa ngoài hoàn toàn cần được vệ sinh và làm sạch khoang miệng thương xuyên nhất. Tốt nhất mẹ nên vệ sinh lưỡi cho bé mỗi 2 lần/ ngày vào buổi sáng và buổi tối. Sau mỗi cữ sữa, mẹ nên cho bé uống từ 1-2 thìa nước ấm để giảm thiểu tình trạng sữa cặn trên bề mặt lưỡi.

Trẻ ăn sữa ngoài hoàn toàn cần được vệ sinh lưỡi miệng 2 lần/ ngày

Trẻ ăn sữa ngoài hoàn toàn cần được vệ sinh lưỡi miệng 2 lần/ ngày

Thời điểm nào rơ lưỡi cho bé là hợp lý?

Thời điểm rơ lưỡi cho trẻ thích hợp nhất là vào buổi sáng hoặc buổi tối, lúc bé ngủ dậy hoặc trước khi bé đi ngủ. Ngoài ra, tùy thuộc vào mỗi bé mà mẹ có thể linh động về thời gian. Không nên rơ lưỡi cho con sau khi bé vừa ăn no để tránh tình trạng bé bị ọc sữa. Cũng không nên rơ lưỡi khi bé đang đói bụng, một số bé có thể sẽ có tình trạng nôn khan do bụng rỗng. Tốt nhất là rơ lưỡi cho trẻ sau khi bé ăn no ít nhất từ 2 tiếng trở lên.

Rơ lưỡi cho trẻ bằng gì?

Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển của bé mà mẹ có thể sử dụng dụng cụ rơ lưỡi thích hợp. Với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng, mẹ sử dụng miếng rơ lưỡi loại bằng vải mềm. Với trẻ lớn hơn, mẹ nên sử dụng rơ lưỡi có lông chải mềm mại để bé làm quen với việc đánh răng sau này. Với những bé từ 1 tuổi trở lên, mẹ có thể bắt đầu hướng dẫn trẻ tập đánh răng để vệ sinh và bảo vệ răng lợi.

Cách rơ lưỡi cho bé đúng cách theo hướng dẫn từ chuyên gia

Tùy thuộc vào từng mốc phát triển của trẻ mà mẹ có cách rơ lưỡi cho bé đúng cách. Theo tư vấn từ các chuyên gia chăm sóc răng miệng cho bé, cách rơ lưỡi cho trẻ đúng cách như sau:

Với trẻ dưới 1 tuổi

Trước khi rơ lưỡi cho trẻ, mẹ cần rửa tay thật sạch sẽ. Sử dụng miếng rơ bằng vải mềm, chấm vào bát nước ấm để làm ẩm. Sau đó sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước muối có pha sẵn phù hợp để tưa lưỡi cho trẻ.

Cách rơ lưỡi cho trẻ dưới 1 tuổi

Cách rơ lưỡi cho trẻ dưới 1 tuổi

Đầu tiên, mẹ bế bé nằm ngửa, trò truyện để bé vui vẻ. Từ từ đưa ngón tay vào miệng bé và vệ sinh 2 bên má, răng, lợi của bé. Sau đó chà nhẹ lên bề mặt lưỡi. Nhúng lại rơ lưỡi bằng nước ấm cho sạch và rơ lại cho bé một lần nữa.

Với trẻ từ 1-5 tuổi

Mẹ có thể sử dụng miếng rơ lưỡi bằng silicon có lông chải để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Ngoài ra, mẹ hãy bắt đầu cho bé làm quen với bàn chải đánh răng và tập cho bé tập chải răng với nước muối loãng. Khi bé được 2-3 tuổi, bé có thể tự chải răng với kem đánh răng loại an toàn. Hướng dẫn bé cách chải, xúc miệng và khi bé thành thục, mẹ hãy duy trì cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày nhé.

Kết luận

Rơ lưỡi cho bé là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Hy vọng bài viết đã giúp mẹ có thể tự tin vệ sinh răng miệng cho bé tại nhà. Nếu có bất cứ câu hỏi nào hãy để lại bình luận bên dưới để được hỗ trợ từ Kidslife nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *